13/07/2021
Lượt xem: 497
Hội thảo khoa học quốc gia “Kết nối mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách về khởi nghiệp sáng tạo”
Sáng ngày 10/7/2021 tại Thành phố Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân và một số đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kết nối mạng lưới nghiên cứu, xây dựng chính sách về khởi nghiệp sáng tạo” bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Smartroom. Hội thảo với sự tham dự của hơn 500 đại biểu của khoảng 50 viện, trường đại học, cao đẳng; 30 Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và các sở ngành liên quan tại 10 điểm cầu chính trên cả nước. Tại tỉnh Sóc Trăng, có bà Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở KH&CN, ông Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở KH&CN, bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, ông Đặng Tấn Giang - Phó Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Sóc Trăng, cùng công chức, viên chức thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Thành phố Hà Nội (Ảnh: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia)
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được Đảng và Nhà nước định hướng, chỉ đạo, thực hiện. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QĐ-TTg (Đề án 844) nhằm hướng tới tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hình thành và phát triển. Qua đó, nhiều hoạt động đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai; thu hút nhiều thành phần trong và ngoài nước tham gia nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ thực hiện Đề án 844, Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án 844, Quyết định số 940/QĐ-BKHCN ngày 07/4/2020 của Bộ KH&CN về việc phê duyệt nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và nhiệm vụ quốc gia “Phát triển mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo quốc gia năm 2020 - 2021” nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong việc triển khai Đề án 844 tại Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cho cán bộ phụ trách, cán bộ nghiên cứu của Bộ, ngành, địa phương.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày các tham luận “Vấn đề và nhu cầu nghiên cứu về khởi nghiệp sáng tạo, định hướng nghiên cứu trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025”, “Một số nghiên cứu làm tiền đề phục vụ xây dựng chính sách và ban hành kế hoạch khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP. HCM giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2025”, “Nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn nhà nước từ khu vực doanh nghiệp hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo”, “Nghiên cứu cơ chế phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh làm nền tảng thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo”, “Quỹ Nhà nước ngoài ngân sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; năng lực nghiên cứu thúc đẩy doanh nghiệp Spin - off từ các cơ sở giáo dục; phương pháp đánh giá hệ sinh thái địa phương”, “Một số giải pháp hình thành mạng lưới kết nối hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo”, đồng thời các đại biểu cung đã trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư; thuận lợi, khó khăn trong quản lý nhà nước, nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực; các giải pháp hình thành, phát triển, kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;...
TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN nhấn mạnh: Năm 2021, một trong những nhiệm vụ của ngành là tham mưu xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Để thực hiện nhiệm vụ này, cũng như phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trong thời gian tới, cần có sự kết nối giữa các trường đại học với các vườn ươm, tạo ra nền tảng chia sẻ thông tin; đẩy mạnh công tác đào tạo, tư vấn, đánh giá; thành mạng lưới nghiên cứu, cố vấn, phản biện; đồng thời xây dựng quy chế mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tác giả: Lâm Văn Tùng